Nhân Một Trường Hợp Tử Vong Do Đậu Khỉ Ở VN (2023)
Hình 1: Virus bệnh đậu khỉ (MPV hay MPXV) là một poxvirus hình giống như viên gạch. Poxvirus là loại virus hình viên gạch hoặc hình bầu dục với bộ gen DNA sợi đôi lớn (large double stranded DNA genome). Vì là DNA lớn, poxvirus ít có khả năng đột biến nhiều và nhanh như coronavirus của bệnh Covid-19 (RNA sợi đơn).Tuy nhiên chúng vẫn có khả năng thích ứng cao và phát triển khả năng kháng thuốc cũng như trốn thoát hệ miễn nhiễm của người bị nhiễm bằng cách phát triển những gen mới (gene expansion), tương tự như cái đàn accordeon được nới rộng túi hơi lên để làm tăng khả năng của nó .
Virus đậu mùa (smallpox, variola) cũng là poxvirus. Trong tình trạng hiện nay, đậu khỉ ít lây hơn và không nguy hiểm bằng đậu mùa.
1)Trường hợp tử vong do đậu khỉ (mpox) và tình hình HIV ở Việt nam.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Mối liên hệ rõ ràng này giữa HIV/AIDS và tính nhạy cảm với bệnh đậu khỉ làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về tác động tiềm ẩn của dịch HIV đối với sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của bệnh đậu khỉ. (1)
Trong tình hình HIV ở Việt Nam hiện nay, những người “đàn ông làm tình với đàn ông” (MSM) và những người chuyển giới đang có chiều hướng trở thành nhóm nhiễm HIV mới quan trọng nhất, có nghĩa nhóm này sẽ là “ứng viên” thường gặp nhất cho những bệnh như bệnh đậu khỉ. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tại Việt Nam, Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TPHCM chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (hơn 80%).
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỷ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.(2)
2)WHO: “khẩn cấp y tế toàn cầu”:
Chuyện đậu khỉ có vẻ sẽ còn làm chúng ta bận tâm lâu dài. Hơn 22.000 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ đã được báo cáo ở 79 quốc gia cho đến tháng 6 năm 2022, hầu hết ở những quốc gia trước đây thường không thấy virus này.
Ngày 23 tháng 7, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) đã chính thức gọi đây là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (global health emergency), là tên gọi được dùng chỉ trong hai trường hợp khác hiện nay là đại dịch Covid-19 và cố gắng đang xảy ra để tiêu diệt bệnh bại liệt (polio).(3)
Theo Tổ chức Y tế Quốc tế tính đến ngày 11 tháng 9 năm 2023, đã có hơn 90.000 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ, 157 tử vong được xác nhận bằng thử nghiệm tại hơn 115 quốc gia. Đợt bùng phát đã chậm lại đáng kể kể từ đỉnh điểm vào tháng 7 năm 2022, nhưng các ca bệnh vẫn được báo cáo ở một số nơi trên thế giới.(4)
3)Tại Hoa Kỳ, gần 31,000 trường hợp đậu khỉ, 54 tử vong, đã được xác nhận tính đến tháng 9 năm 2023 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Năm 2022, chính quyền Biden sau khi bị áp lực từ giới đồng tính đã công nhận đậu khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế cho phép huy động các tài trợ từ chính phủ liên bang, vì các chuyên gia lo ngại rằng virus này có thể sẽ tồn tại lâu dài ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, những nơi mà cho tới nay nó không xảy ra .
Vào tháng 1 năm 2023, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với bệnh đậu khỉ thêm ba tháng nữa.(5)
4) Thông điệp nhắm vào cộng đồng cơ nguy nhưng tránh nguy cơ kỳ thị.(6)
Trước đây bệnh đậu khỉ chỉ lưu hành (endemic) ở Trung Phi và Tây Phi. Ở Mỹ, có chừng một triệu rưỡi người thuộc diện “nguy cơ” (at risk), nhất là những người trong giới đồng tính hay “song tính dục” (bisexual).
Sự bùng phát bệnh đậu khỉ trên toàn cầu dường như chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông có “quan hệ tình dục” với những người đàn ông khác (men who have sex with other men). Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy 98% số người được chẩn đoán nhiễm virus này từ tháng 4 đến tháng 6, 2022 ở hơn một chục quốc gia xác định là nam giới đồng tính hoặc “song tính” (bisexual) và WHO nói rằng 99% trường hợp ở Hoa Kỳ có liên quan đến quan hệ tình dục giữa nam và nam.
Điều đó có nghĩa là hệ thống y tế công cộng có thể nhắm mục tiêu thông điệp và các biện pháp can thiệp của họ đến các cộng đồng cụ thể có nguy cơ cao nhất. Nhưng nó cũng mang đến nguy cơ kỳ thị những dân số đó, đồng thời gieo rắc sự tự mãn (complacency) ở những người khác vốn vẫn có thể dễ bị tổn thương. Nói một cách đơn giản, giới y tế công cộng từ WHO cho đến cơ quan y tế địa phương đang tìm cách nhắc nhở các cộng đồng đồng tính từ chuyện trai giới ( abstention) cho đến chuyện giảm số bạn tình lại mà không làm cho ai mất lòng, cảm thấy mình bị lên lớp dạy dỗ và chống đối. (7)
4) Đậu khỉ ở trẻ em:
Theo Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP): Nguy cơ trẻ em bị nhiễm virus đậu mùa khỉ là thấp. Tính đến ngày 3 tháng 8, năm 2022 hai ca bệnh nhi đã được xác nhận ở Hoa Kỳ (<0,1% tổng số ca).( Một trường hợp là em bé đang trung chuyển ( transit) đi qua sân bay ở Washington, DC). Trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị phơi nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ hơn nếu họ sống trong một cộng đồng hoặc gần đây đã đi du lịch đến một cộng đồng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn. (8)
Theo CDC, một báo cáo được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 2022 đã mô tả các đặc điểm dịch tễ học và lâm sàng của 83 trường hợp nhiễm trùng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, có 16 trường hợp ở trẻ < 5 tuổi, 12 trường hợp ở trẻ 5-12 tuổi và 55 trường hợp ở thanh thiếu niên 13-17 tuổi. Hầu hết thanh thiếu niên (89%) là nam giới. (9)
Nói chung trên thế giới trẻ em và thanh thiếu niên chiếm chừng 1-3%, đa số là bệnh nhẹ. Một số trẻ em có tăng nguy cơ mắc bệnh đậu khỉ: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi), trẻ bị eczema (viêm da dị ứng, có khi người ở Việt Nam gọi là “chàm”) và các bệnh da khác và trẻ bị suy giảm miễn dịch có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nặng khi mắc bệnh đậu mùa ở khỉ.
5)Tên monkeypox hay mpox của bệnh này cũng đang được đặt vấn đề, một số người viện cớ từ “monkey” (khỉ) từng được một số người kỳ thị chủng tộc dùng để miệt thị người da đen (6) và thật ra virus của monkey pox không phát xuất từ con khỉ, mà có lẽ từ loài gậm nhấm ở Châu Phi (chưa biết là loài nào). Người ta gọi nó là monkeypox vì nó được phát hiện đầu tiên ở một con khỉ trong phòng thí nghiệm.
WHO đổi tên đậu khỉ thành "mpox": Vào tháng 11 năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đổi tên đậu khỉ thành "mpox" để giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến vi-rút. Trong bài này, tác giả gọi “monkeypox” là bệnh “đậu khỉ” mà không dịch là “bệnh đậu mùa khỉ” (smallpox in monkeys) vì monkeypox là một bệnh riêng biệt khác với smallpox (đậu mùa), và bệnh đậu mùa (smallpox) có thể xảy ra ở con khỉ mặc dù khó xảy ra.
Google translate dịch monkeypox là 猴痘 (hầu đậu) hay đậu khỉ (hầu=con khỉ). Tiếng Pháp: variole du singe.
Không nên nhầm lẫn monkeypox với bệnh chickenpox, hay varicella, tiếng Việt gọi là bệnh thủy đậu hay bệnh trái rạ do một virus hoàn toàn khác gây ra, và cũng là nguyên nhân gây bệnh herpes zoster (bệnh giời ăn, bệnh zona); hầu hết trẻ em ở Mỹ được chủng ngừa bệnh chickenpox (vaccine tên Varivax, chích hai lần lúc 12 tháng và 4 tuổi) . Bệnh chickenpox nhẹ hơn nhiều, ra ban (eruption) làm nhiều đợt, trên thân mình, ngực bụng và lưng, ít khi trên bàn tay bàn chân; bệnh đậu mùa mọc cùng một đợt, trên mặt và tay chân, bàn tay bàn chân, hướng về ngoại vi thân thể.
Hình 2: Sự lây lan của virus đậu khỉ (MPV hay MPXV) từ động vật sang người. Vật chủ (host) chủ yếu bao gồm các loài gặm nhấm (sóc dây châu Phi [African rope squirrels], chó đồng cỏ, chuột đồng và chuột cống) và các loài linh trưởng (cynomolgus, rhesus và khỉ đột). MPV là một loại virus dsDNA có vỏ bọc thuộc họ Poxviridae và bệnh đậu mùa cũng là một trong những loại virus phổ biến nhất trong họ này.
Buôn bán động vật hoang dã, suy thoái môi trường sống và biến đổi khí hậu góp phần truyền MPV từ loài (species) mới sang loài khác và tăng sự gắn kết giữa con người và động vật. Trong trường hợp buôn bán động vật hoang dã và săn bắn trái phép, động vật bị bắt, đặt bẫy, vận chuyển và bán làm thực phẩm, thuốc và vật nuôi. Thị trường buôn bán động vật hoang dã thúc đẩy sự phát tán dịch bệnh, khiến virus từ nhiều loài lân cận có thể vượt qua rào cản giữa các loài. Sự lây truyền từ động vật sang người qua trung gian là vết cắn, vết trầy xước và giết mổ. Lây truyền từ người sang người xảy ra thông qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như qua các giọt nhỏ bắn từ đường hô hấp (respiratory droplets) và tiếp xúc qua da, đặc biệt là MSM (giao hợp giữa đàn ông). Vi-rút có thể tồn tại trên đồ vật, chẳng hạn như ga trải giường, khăn vải và quần áo.
Nguồn: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2023.1132250/full
6) Nhắc lại một số đặc tính của đậu khỉ:
CDC cho biết, nhiễm trùng đậu khỉ thường kéo dài từ hai đến bốn tuần và bắt đầu với các triệu chứng giống như bệnh cúm - bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và kiệt sức. Cuối cùng, những vết sưng đầy chất lỏng - hay còn gọi là “đậu” / “pox” - lan rộng trên da. Các ca bệnh đậu khỉ mới nhất thường liên quan đến phát ban ở bộ phận sinh dục có thể bị nhầm lẫn với bệnh do siêu vi herpes hay bệnh giang mai syphilis. Các vết loét giang mai sơ kỳ [primary syphilitic chancres] ở bộ phận sinh dục thường cứng, nông và không đau (đậu khỉ rất đau), sẽ tự biến mất trong 1-5 tuần nhưng giang mai sẽ đi vào thời kỳ thứ hai. Các virus herpes có thể được chữa bằng thuốc kháng virus thông thường như acyclovir nhưng đậu khỉ thì không đáp ứng với thuốc này.
Hình 3: Các biểu hiện ngoài da của đậu khỉ
Bệnh đậu khỉ do một loại vi rút cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra, mặc dù bệnh này không lây truyền hoặc gây tử vong nhiều như bệnh đậu mùa.
Đợt bùng phát (outbreak) hiện nay đang lây lan qua tiếp xúc giữa người với người (human to human transmission), chẳng hạn như chạm vào vết thương, hoặc trao đổi nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể khác. Mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào các đồ vật (fomites) hoặc bề mặt, chẳng hạn như đồ chơi tình dục (sex toy) hoặc khăn trải giường, dùng chung với người bị bệnh.
7)Thuốc chủng ngừa và trị liệu
Có thuốc chủng ngừa hiệu nghiệm cho bệnh đậu khỉ (Jynneos) và có thuốc kháng virus hiệu nghiệm cho bệnh này (Tecovirimat).
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England vào tháng 12 năm 2022 cho thấy vắc xin Jynneos có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh đậu khỉ, với hiệu quả là 85,9%.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào tháng 3 năm 2023 cho thấy thuốc kháng vi-rút tecovirmat có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng thủy đậu.
Chiến dịch tiêm chủng mpox toàn cầu: Vào tháng 4 năm 2023, WHO đã phát động chiến dịch tiêm chủng mpox toàn cầu, với mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối năm nay.
8) CDC khuyến nghị tiêm phòng mpox (đậu khỉ) nếu:
a)Bạn biết đã hoặc nghi đã tiếp xúc với người bị bệnh mpox
b)Bạn có bạn tình trong 2 tuần qua được chẩn đoán mắc bệnh mpox
c)Bạn là người đồng tính nam, song tính (bisexual) hoặc nam có xu hướng tình dục khác có quan hệ tình dục đồng giới, hoặc người chuyển giới (transgender), người không thuộc giới tính nhị phân (non-binary) hoặc người đa dạng giới tính (gender diverse) trong 6 tháng qua đã có bất kỳ điều nào sau đây:
-Chẩn đoán mới về một hoặc nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục (ví dụ: chlamydia, lậu hoặc giang mai/syphilis)
-Nhiều hơn một bạn tình
(Có thế nhiều người ở VN thuộc “diện” này. Theo báo Thanh Tra của chính phủ Việt Nam: “Lấy tỷ lệ trung bình, an toàn mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15 đến 59 ở Việt Nam tạm tính vào khoảng 1,65 triệu người.”)
d) Bạn đã có bất kỳ điều nào sau đây trong 6 tháng qua:
-Quan hệ tình dục tại địa điểm tình dục thương mại (“commercial sex venue”như câu lạc bộ tình dục/sex club hoặc nhà tắm/bathhouse)
-Tình dục (sex) liên quan đến một sự kiện thương mại lớn hoặc trong một khu vực địa lý (ví dụ như thành phố hoặc quận) nơi đang xảy ra sự lây truyền vi rút mpox
-Tình dục “để đổi lấy tiền” hoặc vật phẩm khác
e) Bạn có bạn tình gặp bất kỳ rủi ro nào ở trên
f) Bạn dự đoán sẽ gặp phải bất kỳ tình huống nào ở trên
g) Bạn bị nhiễm HIV hoặc các nguyên nhân gây ức chế miễn dịch khác và gần đây hoặc dự đoán trước nguy cơ phơi nhiễm mpox trong tương lai từ bất kỳ tình huống nào ở trên
h) Bạn làm việc ở những nơi bạn có thể tiếp xúc với mpox:
-Bạn làm việc với orthopoxvirus trong phòng thí nghiệm
Bạn KHÔNG nên chủng ngừa nếu:
Bạn đã bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng (chẳng hạn như sốc phản vệ/anaphylaxis) sau khi tiêm liều vắc xin JYNNEOS đầu tiên.
Bạn nên thận trọng hơn nếu:
Bạn đã có phản ứng dị ứng với bất kỳ loại vắc xin nào. Bạn vẫn có thể được tiêm vắc-xin JYNNEOS, nhưng nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể cần quan sát bạn trong 30 phút sau khi bạn tiêm vắc-xin để đảm bảo rằng bạn không bị phản ứng dị ứng.
Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn có phản ứng dị ứng với thuốc kháng sinh gentamicin hoặc ciprofloxacin, hoặc protein thịt gà hoặc trứng.(10)
Ngoài việc khuyên mọi người hạn chế số lượng bạn tình của họ, CDC khuyến nghị đeo găng tay cao su, polyurethane hoặc nitrile và thay hoặc vệ sinh quần áo, giường, khăn tắm và đồ chơi tình dục sau khi quan hệ tình dục.(11)
Hình 4: Vắc xin Jynneos có thế được chích trong da (intradermal) bệnh nhân thay vì chích dưới da (cần liều lớn hơn; 0,5 ml thay vì 0,1 ml chích trong da).
Một số người sau khi tiêm vắc xin đậu khỉ nhận thấy có một vết sưng nhỏ nổi lên ở chỗ tiêm. Nếu điều này xảy ra với bạn và dấu vết đó tồn tại trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần thì bạn không cần phải lo lắng: Tiếng Anh gọi là “wheal”, chứng tỏ thuốc được tiêm đúng cách trong bề dày của da. https://www.self.com/story/wheal-monkeypox-vaccine-side-effect
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 3 tháng 11 năm 2023
Tham khảo.
1)https://bnn.network/world/monkeypox-claims-first-victim-in-vietnam-amid-global-spread/
2)https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/so-ca-nhiem-hiv-aids-tai-viet-nam-co-xu-huong-gia-tang-712653
3)https://www.fredhutch.org/en/news/releases/2012/08/researchers-uncover-how-poxviruses-such-as-smallpox-evolve-rapid.html
4)https://www.cdc.gov/poxvirus/mpox/response/2022/world-map.html
5)https://www.cdc.gov/poxvirus/mpox/response/2022/us-map.html
6)https://www.washingtonpost.com/health/2022/07/27/monkeypox-symptoms/
7)https://www.npr.org/2022/07/26/1113713684/monkeypox-stigma-gay-community
8)https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/reducing-stigma.html
9)https://www.cdc.gov/poxvirus/mpox/clinicians/pediatric.html#:~:text=A%20report%20published%20on%20November,adolescents%20(89%25)%20were%20male.
10) Mpox Vaccine Recommendations
Updated August 21, 2023
https://www.cdc.gov/poxvirus/mpox/vaccines/vaccine-recommendations.html#:~:text=CDC%20recommends%20vaccination%20against%20mpox%20if%3A&text=You%20are%20a%20gay%2C%20bisexual,chlamydia%2C%20gonorrhea%2C%20or%20syphilis)
11)The Wall Street Journal (8/5/2022)
Health Authorities Issue New Advice for Avoiding Monkeypox