"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

 

Monkeypox: Lại Chuyện Đậu Khỉ 

 22chvhlcd1

Hình 1: Virus bệnh đậu khỉ  là một poxvirus hình giống như viên gạch.

Poxvirus hình viên gạch hoặc hình bầu dục với bộ gen DNA sợi đôi lớn (large double stranded DNA genome). Vì là DNA lớn, poxvirus ít có khả năng đột biến nhiều (mutation) và nhanh như coronavirus của bệnh Covid-19 (RNA sợi đơn). Tuy nhiên chúng vẫn có khả năng thích ứng cao và phát triển khả năng kháng thuốc cũng như trốn thoát hệ miễn nhiễm của người  bị nhiễm bằng cách phát triển những gen mới (gene expansion), tương tự như cái đàn accordeon được nới rộng túi hơi lên để làm tăng khả năng của nó (1).

 

 

1)WHO: “Khẩn cấp y tế toàn cầu”:

Chuyện đậu khỉ có vẻ sẽ còn làm chúng ta bận tâm lâu dài. Hơn 22.000 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ đã được báo cáo ở 79 quốc gia trong năm nay, hầu hết ở những quốc gia trước đây thường không thấy virus này.

Ngày 23 tháng 7, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) đã chính thức gọi đây là một tình trạng "khẩn cấp y tế toàn cầu" (global health emergency), là tên gọi được dùng chỉ trong hai trường hợp khác hiện nay là đại dịch Covid-19 và cố gắng đang xảy ra để tiêu diệt bệnh bại liệt (polio).(2)

 

2)Tại Hoa Kỳ, hơn 4.900 trường hợp đã được xác nhận tính đến ngày 29 tháng 7, 2022 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nhưng đó có lẽ là một con số thấp đáng kể so với thực tế.

Chính quyền Biden cũng đã ra tuyên bố tương tự sau khi bị áp lực từ giới đồng tính, và công nhận đậu khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế cho phép huy động các tài trợ từ chính phủ liên bang, vì các chuyên gia lo ngại rằng virus này có thể sẽ tồn tại lâu dài ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, những  nơi mà cho tới nay nó không xảy ra .

 

3) Thông điệp nhắm vào cộng đồng cơ nguy cao, nhưng tránh nguy cơ kỳ thị.(3)

Trước đây bệnh đậu khỉ chỉ lưu hành (endemic) ở Trung Phi và Tây Phi. Ở Mỹ, có chừng một triệu rưỡi người thuộc diện “nguy cơ” cao (at risk), nhất là những người trong giới đồng tính hay “song tính dục” (bisexual).

Thật vậy, ủy ban khẩn cấp của WHO trước đây vài tuần đã  xét đến việc ban hành một tuyên bố như vậy và  không đạt được  đồng thuận một phần vì lo ngại về nguy cơ kỳ thị, gạt họ ra bên lề  (marginalization) và phân biệt đối xử đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus.

Sự bùng phát bệnh đậu khỉ trên toàn cầu dường như chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông có “quan hệ tình dục” với những người đàn ông khác (men who have sex with other men). Một nghiên cứu  công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy 98% số người được chẩn đoán nhiễm virus này từ tháng 4 đến tháng 6, 2022 ở hơn một chục quốc gia xác định là nam giới đồng tính hoặc “song tính” (bisexual)  và WHO nói rằng 99% trường hợp ở Hoa Kỳ có liên quan đến quan hệ tình dục giữa nam và nam.

Điều đó có nghĩa là hệ thống y tế công cộng có thể nhắm mục tiêu thông điệp (message) và các biện pháp can thiệp của họ đến các cộng đồng cụ thể có nguy cơ cao nhất. Nhưng nó cũng mang đến nguy cơ kỳ thị những dân số đó, đồng thời gieo rắc sự tự mãn (complacency) ở những người khác vốn vẫn có thể dễ bị tổn thương. Nói một cách đơn giản, giới y tế công cộng từ WHO cho đến cơ quan địa phương đang phân vân tìm cách nhắc nhở các cộng đồng đồng tính từ chuyện trai giới ( abstention) cho đến chuyện giảm số bạn tình lại mà không làm cho ai mất lòng, cảm thấy mình bị lên lớp dạy dỗ và chống đối.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng nhấn mạnh rằng bệnh đậu khỉ có liên quan đến tất cả mọi người (dù họ không đồng tính hay song tính), vì bệnh này có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da (skin- to- skin transmission) và các đồ vật có khả năng bị ô nhiễm như quần áo hoặc khăn tắm. Và virus có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai. Ví dụ, Hoa Kỳ đã ghi nhận hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em.

“Do đó, CDC đang tập trung vào việc xác định và sử dụng các kênh cụ thể sẽ tiếp cận trực tiếp những người đồng tính nam và song tính nam trên các nền tảng chủng tộc, dân tộc, kinh tế xã hội và địa lý. Ngoài thông điệp tập trung này, CDC cũng đang cung cấp thông tin cho nhiều đối tượng hơn về các triệu chứng và hành vi có thể dẫn đến sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.” (CDC)(4)

 

4) Đậu khỉ ở trẻ em:

Theo Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP)(5): Nguy cơ trẻ em bị nhiễm virus đậu mùa khỉ là thấp. Tính đến ngày 3 tháng 8, hai ca bệnh nhi đã được xác nhận ở Hoa Kỳ (<0,1% tổng số ca). Một trong hai trường hợp là em bé đang trung chuyển ( transit) đi qua sân bay ở Washington, DC. Trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị phơi nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ hơn nếu họ sống trong một cộng đồng  hoặc gần đây đã đi du lịch đến một cộng đồng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn.

Một số trẻ em có tăng nguy cơ mắc bệnh đậu khỉ: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi), trẻ bị eczema (viêm da dị ứng, có khi người  ở Việt Nam gọi là “chàm”) và các bệnh da khác và trẻ bị suy giảm miễn dịch có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nặng khi mắc bệnh đậu mùa ở khỉ.

5)Tên monkeypox của bệnh này cũng đang được đặt vấn đề, một số người viện cớ từ “monkey” (khỉ) từng được một số người kỳ thị chủng tộc dùng để miệt thị người da đen và thật ra virus của monkey pox không phát xuất từ con khỉ, mà có lẽ từ loài gậm nhấm ở Châu Phi (chưa biết là loài nào). Người ta gọi nó là monkeypox vì nó được phát hiện đầu tiên ở một con khỉ trong phòng thí nghiệm.

Trong bài này, tác giả (HVH) gọi “monkeypox” là bệnh “đậu khỉ” mà không dịch là “bệnh đậu mùa  khỉ” (smallpox in monkeys) vì monkeypox là một bệnh riêng biệt khác với smallpox (đậu mùa), và bệnh đậu mùa (smallpox) có thể xảy ra ở con khỉ mặc dù khó xảy ra.

Google translate dịch monkeypox là 猴痘 (hầu đậu) hay đậu khỉ (hầu=con khỉ). Tiếng Pháp: variole du singe.

Không nên nhầm lẫn monkeypox với bệnh chickenpox, hay varicella, tiếng Việt gọi là bệnh thủy đậu hay bệnh trái rạ do một virus hoàn toàn khác gây ra, và cũng là nguyên nhân gây bệnh herpes zoster (bệnh giời ăn, bệnh zona); hầu hết trẻ em ở Mỹ được chủng ngừa bệnh chickenpox (vaccine tên Varivax, chích hai lần lúc 12 tháng và 4 tuổi) . Bệnh chickenpox nhẹ hơn nhiều,  ra ban (eruption) làm nhiều đợt, trên thân mình, ngực bụng và lưng, ít khi trên bàn tay bàn chân; bệnh đậu mùa mọc cùng một đợt, trên mặt và tay chân, bàn tay bàn chân, hướng về ngoại vi thân thể.

6)  Một trường hợp đậu khỉ nặng ở người đồng tính ở San Francisco:(6)

Thống đốc California Gavin Newsom ngày 1 tháng 8 năm 2022  đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để phối hợp ứng phó và tăng cường các nỗ lực tiêm chủng của tiểu bang. Khoảng một nửa trong số 1.135 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ của California tập trung ở Khu vực Vịnh San Francisco. San Francisco và thành phố New York là hai nơi có nhiều cas đậu khỉ nhất nước Mỹ.

Bệnh nhân Kwong trong trường hợp sau đây  cho biết anh ta có khả năng mắc bệnh đậu khỉ do quan hệ tình dục trong sự kiện New York Pride. NYC Pride March là sự kiện thường niên kỷ niệm cộng đồng LGBTQ (gay, lesbian, bisexual, trans, queers) tại thành phố New York. Nằm trong số các sự kiện Pride lớn nhất trên thế giới, NYC Pride March thu hút hàng chục nghìn người tham gia và hàng triệu khán giả trên vỉa hè vào tháng 6 mỗi năm.

Nói chung hiện nay, từ lúc có triệu chứng đến lúc định bệnh chính xác con đường khá dài và khá cam go. Đa số bác sĩ chưa từng gặp cas đậu khỉ nào cả và thử nghiệm xác nhận cũng rất khó khăn. Như trường hợp bệnh nhân Kwong sau đây được báo cáo trên bản tin tức của Kaiser:

“Hai ngày sau khi Kevin Kwong từ New York bay về nhà ở California, tay anh bị ngứa dữ dội, cơn đau khiến anh không thể ngủ được. Anh ấy nghĩ vấn đề là bệnh eczema.

Mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ nhanh chóng,” bệnh nhân Kwong , 33 tuổi, ở  Emeryville, California cho biết. “Tôi bắt đầu nổi nhiều nốt mụn hơn, trên mặt, mẩn đỏ hơn và chúng bắt đầu rỉ nước. Phát ban lan rộng đến khuỷu tay, bàn tay và mắt cá chân của tôi ”.

Sau sáu lần khám bệnh  “ảo” (virtual, qua computer) với bác sĩ và y tá, một cuộc gọi đến đường dây nóng của y tá, một chuyến đi đến phòng khám khẩn cấp (acute care), hai lần đến phòng cấp cứu và hai lần chẩn đoán sai rồi mới gặp được  một chuyên gia bệnh truyền nhiễm chẩn đoán anh mắc bệnh đậu khỉ vào đầu tháng Bảy.  Hai lần xét nghiệm, chưa bao giờ cho kết quả dương tính.

Nhưng hầu hết các bác sĩ không biết cách nhận ra đậu khỉ. Vào cuối tháng 6, khi Kwong bắt đầu có các triệu chứng, hầu hết các bác sĩ và y tá mà anh nói chuyện trong các lần thăm khám ảo thậm chí không đề cập đến bệnh đậu khỉ.

Điều đó không gây ngạc nhiên cho BS Timothy Brewer, giáo sư y khoa và dịch tễ học tại UCLA. Brewer cho biết: “Mặc dù tôi đã làm việc liên tục ở một số quốc gia châu Phi cận Sahara trong 25 năm qua, nhưng tôi thực sự chưa bao giờ điều trị một ca bệnh đậu khỉ nào. "Trước khi bùng phát hiện nay, bệnh đậu khỉ là một căn bệnh rất hiếm khi gặp."

Phát ban giới hạn ở vùng sinh dục hoặc trực tràng (rectal area, rectum là đoạn ruột gần hậu môn) có thể bị nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted disease). Nhưng ngay cả khi các bác sĩ chưa được huấn  luyện để nhận biết bệnh đậu  khỉ, Brewer nói, lời khuyên của họ cho bệnh nhân có thể giúp ngăn chặn sự lây lan.

“Bạn sẽ khuyên mọi người không tham gia vào hoạt động tình dục cho đến khi các tổn thương của họ đã lành và điều trị đã hoàn tất” Brewer nói.

Mặc dù nhiều trường hợp nhẹ và tự khỏi, một số trường hợp nhanh chóng trở nên nghiêm trọng - như truờng hợp anh Kwong.

“Cơ thể của bạn đang bị chiếm đoạt bởi một thứ bệnh mà bạn không hiểu. Và bạn không có nơi nào để đi chữa bệnh, vì vậy nó vừa đau đớn vừa đáng sợ, ” Kwong nói.

Ban đầu Kwong điều trị phát ban bằng thuốc steroid thoa da mà anh dùng  cho bệnh eczema. Khi không thấy hiệu quả, anh ta được thăm bệnh  trực tuyến với một y tá và được chẩn đoán anh ta mắc bệnh nhiễm virus herpes và kê đơn thuốc kháng virus (antiviral).

Trong vài giờ sau đó, phát ban nhanh chóng lan ra nhiều hơn trên cơ thể. 22chvhlcd2Kwong đến một phòng khám chăm sóc khẩn cấp. Bác sĩ đồng ý với chẩn đoán herpes và chẩn đoán thêm một bệnh khác: bệnh ghẻ, một loại phát ban do bọ ve bét  nhỏ li ti (mites, Sarcoptes scabiei) chui vào  các hang trong da. Kwong nói: “Các nốt mụn của tôi tập trung ở bàn tay, cổ tay, bàn chân và khuỷu tay, là những vị trí chính thường gặp của bệnh ghẻ.”

Bác sĩ chăm sóc khẩn cấp cũng đã nghĩ đến bệnh đậu  khỉ nhưng các nốt đậu của Kwong tụ lại với nhau và trông khác với hình ảnh phát ban bệnh đậu khỉ mà bác sĩ đã  từng thấy. “Tùy theo các triệu chứng ở giai đoạn nào và  tôi đang nói chuyện với ai, tôi sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau,” Kwong nói.

Trong kỳ nghỉ cuối tuần ngày 4 tháng 7, Kwong "điên cuồng" tìm đến bất kỳ ai mà anh nghĩ có thể giúp đỡ khi các triệu chứng của anh trở nên tồi tệ hơn.

“Tôi đã cố gắng liên hệ với các bác sĩ, tôi biết những  bạn của bạn tôi là  bác sĩ da liễu,” anh nói. “Sau mỗi lần tôi nói chuyện với ai đó, bệnh tôi chỉ trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng. Và nó thực sự quái đản ”.

Trong một cuộc hẹn ảo khác, vào lúc nửa đêm, một y tá nhận thấy vết ban lan dần về phía mắt và bảo anh ta đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Tại Trung tâm Y tế Alta Bates Summit ở Oakland, tại đó, các bác sĩ cho biết Kwong có thể mắc bệnh đậu khỉ.

“Họ nghiên cứu tìm hiểu trong khi tôi còn ở trong phòng và nói chuyện qua lại trên điện thoại với CDC. Tôi hiểu là bệnh nhân thì mình tối mù  không biết gì, nhưng tôi không ngờ rằng rất ít thông tin được cung cấp cho những người chữa bệnh cho tôi  và họ cũng không được chuẩn bị gì ráo", anh nói.

Anh phải trải qua 12 giờ trong phòng cấp cứu, nơi các y tá lấy mẫu từ vết thương để làm xét nghiệm bệnh đậu khỉ. Họ bảo anh ta quay lại nếu anh ta phát sốt hoặc bắt đầu nôn mửa.

“Tại thời điểm này, tôi chỉ thấy khốn khổ. Tôi bị lở loét ở cổ họng, trong miệng và khắp cơ thể, ”anh nói. "Tôi chỉ mê sảng vì tôi không thể ngủ hơn một hoặc hai giờ vào bất kỳ thời điểm nào."

Cuối đêm đó, Kwong quyết định đến Trung tâm Y tế Đại học California-San Francisco (UCSF). Anh đã nghe qua một người bạn rằng UCSF Health đang điều trị các ca bệnh đậu khỉ và một y tá chăm sóc ảo (qua computer) đã thúc giục anh đi.

Khi đến nơi, anh ta được tách khỏi các bệnh nhân khác, được tiêm oxycodone để giảm đau, và được swab (quệt que gòn) cho một xét nghiệm bệnh đậu khỉ khác.

Ngày hôm sau, Bác sĩ Chin-Hong, giáo sư y khoa chuyên về bệnh nhiễm ở UCSF,  bắt đầu điều trị bệnh đậu khỉ cho Kwong. BS Chin-Hong nói: “Tôi nghĩ, ồ, đây thực sự là một trường hợp bệnh rất lan rộng. “Tôi đã từng thấy những trường hợp mắc bệnh đậu khỉ khác trước đây, nhưng chúng rất hạn chế. Tôi có thể nói rằng Kevin có lẽ nằm trong nhóm  5% bệnh nặng nhất ”.

Vì vết phát ban gần với mắt của Kwong, BS Chin-Hong sợ anh ta có thể bị mù nếu căn bệnh này không được điều trị. Ông kê đơn Tecovirimat, một loại thuốc kháng vi-rút có nhãn hiệu là TPOXX, đã được FDA cho phép đặc biệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ trong một số trường hợp nhất định.

Sau ngày đầu tiên sử dụng thuốc, Kwong nhận thấy vết phát ban của mình không còn  lan thêm nữa. Trong hai ngày tiếp theo, hàng trăm nốt sưng tấy xẹp xuống thành các đĩa dẹp đỏ. “Tôi giật mình  bởi Kevin tiến bộ nhanh như thế. Làm như anh ấy cỡi  tên lửa trên đường hồi phục", BS Chin-Hong nói.

Trong lúc Kwong bắt đầu lành lại, anh nhận được kết quả xét nghiệm đầu tiên: âm tính. Sau đó, thứ hai: âm tính.

BS Chin-Hong cho biết các nhân viên y tế có thể đã không chà xát các vết thương của anh ta đủ mạnh để lấy được tế bào sống cho xét nghiệm bệnh đậu  khỉ. “Với tư cách là một bác sĩ lâm sàng, rất khó để thực sự lấy được một mẫu tốt cho những loại tổn thương này vì bệnh nhân thường  đau đớn. Và bạn không muốn thấy người ta đau đớn, ” BS Chin-Hong nói.

Những trường hợp như Kwong có thể bị bỏ sót nếu các xét nghiệm không được tiến hành một cách chính xác. Brewer cho biết  nguồn tin tức  trực tuyến của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) dành cho các bác sĩ lâm sàng là đầy đủ, nhưng chỉ khi bạn dành đủ thời gian để đọc hết 59 trang đó.

Bác sĩ lâm sàng cần thu thập ít nhất hai mẫu từ nhiều vị trí trên cơ thể bệnh nhân, ông nói. Điều quan trọng, Brewer nói, là lấy mẫu từ các tổn thương “ở các giai đoạn phát triển khác nhau” và không chỉ tập trung vào các vết mới sưng chưa có mủ lúc ban đầu.

Trong hai tuần, Kwong uống sáu viên thuốc kháng vi-rút mỗi ngày để loại bỏ vi-rút trong cơ thể. Anh  không cần dùng thuốc giảm đau nữa. “Mặt tôi lành lại trước tiên, điều mà tôi nghĩ đã giúp tôi rất nhiều, để lại có thể nhận ra mình là ai trong gương” Kwong nói.

Bây giờ hơn một tháng kể từ khi thử thách bắt đầu, bàn tay và bàn chân của Kwong cuối cùng cũng lành lại. Các lớp biểu bì và da tay của anh bị bong tróc và đang trong quá trình mọc lại da non, trong khi móng tay của anh đã chuyển sang màu đen và bắt đầu rụng, anh nói.

Kwong cho biết thiệt hại về  tâm lý sẽ mất nhiều thời gian hơn để vượt qua. “Tôi cảm thấy mình không còn “bất khả xâm phạm” như trước, bởi vì nó là một căn bệnh làm suy nhược nhanh chóng. Và vì vậy tôi vẫn đang cố gắng cải thiện trạng thái tinh thần của mình nhiều hơn trạng thái thể chất của tôi. "

7) Nhắc lại một số đặc tính của đậu khỉ:

Theo CDC, nhiễm trùng đậu  khỉ thường kéo dài từ hai đến bốn tuần và bắt đầu với các triệu chứng giống như bệnh cúm - bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và kiệt sức. Cuối cùng, những vết sưng đầy chất lỏng - hay còn gọi là “đậu” / “pox” - lan rộng trên da. Các ca bệnh đậu khỉ mới nhất thường liên quan đến phát ban ở bộ phận sinh dục có thể bị nhầm lẫn với bệnh do siêu vi herpes hay bệnh giang mai syphilis. Các vết loét giang mai sơ kỳ [primary syphilitic chancres] ở bộ phận sinh dục thường cứng, nông và không đau (đậu khỉ rất đau), sẽ tự biến mất trong 1-5 tuần nhưng giang mai sẽ đi vào thời kỳ thứ hai.  Các virus herpes có thể được chữa bằng thuốc kháng virus thông thường như acyclovir nhưng đậu khỉ thì không đáp ứng với thuốc này (xem trường hợp trên).

Bệnh đậu  khỉ do một loại vi rút cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra, mặc dù bệnh này không lây truyền hoặc gây tử vong nhiều như  bệnh đậu mùa.

Đợt bùng phát (outbreak) hiện nay đang lây lan qua tiếp xúc giữa người với người (human to human transmission), chẳng hạn như chạm vào vết thương, hoặc trao đổi nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể khác. Mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào các đồ vật hoặc bề mặt, chẳng hạn như đồ chơi tình dục (sex toy)  hoặc khăn trải giường, dùng chung với người bị bệnh.

Từ ngày trường hợp  đậu khỉ đầu tiên ở Hoa Kỳ của đợt bùng phát này được báo cáo vào ngày 17 tháng 5, 2022, con số đã tăng lên hơn 6.300 trường hợp nghi ngờ có thể hoặc được xác nhận từ  hầu hết các tiểu bang, cộng với Washington, D.C. và Puerto Rico.

Có thuốc chủng ngừa hiệu nghiệm cho bệnh đậu khỉ (Jynneos) và có thuốc kháng virus (tecovirimat) hiệu nghiệm cho bệnh này.

(Xin xem những bài trước để biết thêm chi tiết)(7,8)

 

Tham khảo.

1)https://www.fredhutch.org/en/news/releases/2012/08/researchers-uncover-how-poxviruses-such-as-smallpox-evolve-rapid.html

2)https://www.washingtonpost.com/health/2022/07/27/monkeypox-symptoms/

3)https://www.npr.org/2022/07/26/1113713684/monkeypox-stigma-gay-community

4)https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/reducing-stigma.html

5)https://www.aap.org/en/patient-care/monkeypox/

6)https://californiahealthline.org/news/article/monkeypox-diagnosis-challenge-california-patient/

7)https://langhue.org/index.php/y-hoc-thuong-thuc/bai-lien-quan-y-hoc/y-hoc-thuong-thuct/21716-benh-dau-mua-khi-y-hoc-thuong-thuc.html

8)https://langhue.org/index.php/y-hoc-thuong-thuc/bai-lien-quan-y-hoc/y-hoc-thuong-thuct/21776-cap-nhat-ve-ben-h-dau-khi-bs-ho-van-hien.html

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

     Ngày 5 tháng 8 năm 2022